MENU
[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
A-di-đà Phật
bitbitDate: Thứ ba, 13-04-2010, 8:51 PM | Message # 1
Tổng tư lệnh
Cao cấp
Messages: 11
Awards: 0
Reputation: 0
Status: Offline
A-di-đà hay A Di Đà (zh. 阿彌陀) là danh từ phiên âm có gốc từ hai chữ trong tiếng Phạn: amitābha và amitāyus. Amitābha dịch nghĩa là "vô lượng quang" - "ánh sáng vô lượng"; amitāyus có nghĩa là "vô lượng thọ" - "thọ mệnh vô lượng".

Đây là tên của một vị Phật được tôn thờ nhiều nhất trong Đại thừa. A-di-đà trụ trì cõi Cực lạc (sa. sukhāvatī) ở phương Tây. Phật A-di-đà được tôn thờ trong Tịnh độ tông tại Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam và Tây Tạng, tượng trưng cho Từ bi và Trí huệ.

Trong lịch sử đạo Phật, việc tôn xưng A-di-đà là một mốc phát triển quan trọng. Phép niệm A-di-đà là một cách tu dưỡng mới của Phật tử, không phải trải qua vô số kiếp. Đây là cách tu dưỡng dựa vào Tha lực, dựa vào đại nguyện của một vị Phật-một phép tu "nhanh chóng, dễ dàng" hơn chứ không phải dựa vào tự lực của chính mình. Đó là phép tu nhất tâm niệm danh hiệu "Nam-mô A-di-đà Phật" lúc lâm chung để được sinh vào cõi Cực lạc.

Những miêu tả về Phật A-di-đà
Trong lịch sử Phật giáo thì Phật A-di-đà được tôn thờ sớm nhất trong lịch sử, vào hàng a tăng kỳ kiếp trước có một vì vua sau khi nghe đức Phật thuyết pháp thì lập tức giác ngộ và từ bỏ ngai vàng mà đi theo đức Phật để quy y pháp danh là Pháp Tạng và đã thành Phật hiệu là A Di Đà(16 triệu 800 ngàn năm là một tiểu kiếp, 1000 tiểu kiếp bằng 1 trung kiếp, 1000 trung kiếp bằng một đại kiếp, 1000 đại kiếp bằng 1 a tăng kỳ kiếp). Thân hình của vị Phật này thường được vẽ bằng màu đỏ, tượng trưng cho màu mặt trời lặn phương Tây. Một tay của A-di-đà bắt ấn thiền định, tay kia giữ một cái bát, dấu hiệu của một giáo chủ, cũng có ảnh một tay đức phật cầm tòa sen, một tay xòe ra đưa xuống đất có ý nghĩa để dẫn dất chúng sinh lên tòa sen về cõi tinh độ. Tòa sen tượng trưng cho sự thanh tịnh và hai con công là biểu hiện của sự thoát hiểm, thoát khổ. Tại Ấn Độ và Tây Tạng, người ta tin rằng con công có thể ăn tất cả những chất độc mà không bị ảnh hưởng gì.

Tượng A Di Đà thường có những nét đặc trưng: đầu có các cụm tóc xoắn ốc, mắt nhìn xuống, miệng thoáng nụ cười cảm thông cứu độ, mình mặc áo cà sa, ngồi hoặc đứng trên tòa sen

Phật A-di-đà cũng thường được trình bày với hình tượng mang vương miện kết bằng ngọc quí, có khi dưới dạng của Pháp Tạng tỉ khâu, đầu cạo trọc, một dạng tiền kiếp của phật A Di Đà. Thông thường, A-di-đà được vẽ ngồi trên tòa sen, tay Ngài bắt ấn thiền hay ấn giáo hóa. Cùng được thờ chung với A-di-đà là hai Bồ Tát, đó là Quán Thế Âm (sa. avalokiteśvara), đứng bên trái và Đại Thế Chí (sa. mahāsthāmaprāpta), đứng bên phải. Có khi người ta trình bày Phật A-di-đà đứng chung với Phật Dược Sư (sa. bhaiṣajyaguru-buddha).

Tương truyền rằng một trong số những kiếp luân hồi của A-di-đà từng là một nhà vua. Sau khi phát tâm mộ đạo, vị vua này từ bỏ ngôi báu và trở thành một tỳ kheo với tên là Pháp Tạng (sa. dharmākara). Ngài quyết tâm tu hành thành Phật và nguyện giúp chúng sinh tái sinh vào cõi Cực lạc của mình và cũng sẽ thành Phật. Phật A-di-đà lập 48 đại nguyện nhằm giúp chúng sinh giải thoát.

[sửa] 48 đại nguyện của Phật A-di-đà
Giả sử khi tôi thành Phật, nước tôi còn có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi sau khi mạng chung còn trở lại ba ác đạo thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng đều thân màu vàng ròng thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi sắc thân chẳng đồng có kẻ xấu người đẹp thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng biết túc mạng, tối thiểu là biết sự việc trong trăm ngàn ức na do tha kiếp thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng được thiên nhãn, tối thiểu là thấy trăm ngàn ức na do tha cõi nước chư Phật thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng được thiên nhĩ, tối thiểu là nghe lời thuyết pháp của trăm ngàn ức na do tha chư Phật và chẳng thọ trì hết, thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sư khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng được tha tâm trí, tối thiểu là biết tâm niệm của chúng sanh trong trăm ngàn ức na do tha cõi nước, thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng được thần túc, tối thiểu là khoảng một niệm qua đến trăm ngàn ức na do tha nước Phật thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi nếu sanh lòng tưởng nghĩ tham chấp thân thể thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn ở nước tôi, chẳng an trụ định tụ quyết đến diệt độ thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, quang minh có hạn lượng, tối thiểu chẳng chiếu đến trăm ngàn ức na do tha cõi nước chư Phật thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, thọ mạng có hạn lượng, tối thiểu là trăm ngàn ức na do tha kiếp thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng Thanh Văn trong nước tôi mà có người tính đếm được, nhẫn đến chúng sanh trong cõi Đại Thiên đều thành bực Duyên Giác cùng nhau chung tính đếm suốt trăm nghìn kiếp mà biết được số lượng ấy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi thọ mạng không ai hạn lượng được, trừ họ có bổn nguyện dài ngắn tự tại. Nếu chẳng như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi mà còn nghe danh từ bất thiện thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, mười phương vô lượng chư Phật chẳng đều ngợi khen xưng tụng danh hiệu của tôi thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương chí tâm tin ưa muốn sanh về nước tôi nhẫn đến mười niệm, nếu không được sanh thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương phát tâm Bồ đề tâm, tu các công đức chí tâm phát nguyện muốn sanh về nước tôi. Lúc họ mạng chung, tôi và đại chúng vây quanh hiện ra trước mặt họ. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, chúng sanh ở mười phương nghe danh hiệu của tôi, chuyên nhớ nước tôi, trồng những cội công đức, chí tâm hồi hướng muốn sanh về nước tôi mà chẳng được toại nguyện thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi chẳng đều đầy đủ ba mươi hai tướng đại nhơn thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở cõi nước khác sanh về nước tôi rốt ráo tất cả đến bực nhứt sanh bổ xứ. Trừ người có bổn nguyện tự tại hóa độ, vì chúng sanh mà mặc giáp hoằng thệ chứa công đức độ tất cả, đi qua các nước Phật tu hạnh Bồ Tát, cúng dường chư Phật mười phương, khai hóa hằng sa vô lượng chúng sanh khiến họ đứng nơi đạo chánh chơn vô thượng, vượt hơn công hạnh của hạng tầm thường, hiện tiền tu công đức Phổ Hiền. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi thừa thần lực Phật đi cúng dường chư Phật, khoảng bữa ăn nếu không đến khắp vô số vô lượng ức na do tha cõi nước thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi ở trước chư Phật hiện công đức mình, nếu những thứ dùng để cúng dường không có đủ theo ý muốn thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi chẳng thể diễn nói nhứt thiết trí thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi chẳng được thân Kim Cương Na la diên thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn và tất cả vạn vật trong nước tôi trang nghiêm thanh tịnh sáng rỡ hình sắc đặc biệt lạ lùng vi tột diệu không ai lường biết được, dầu là có thiên nhãn mà biện biệt được danh số ấy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi, nhẫn đến người công đức ít nhứt mà chẳng thấy biết đạo tràng thọ màu sáng vô lượng cao bốn trăm muôn dặm thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát trong nước tôi nếu đọc tụng thọ trì diễn thuyết kinh pháp mà chẳng được trí huệ biện tài thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, trí huệ biện tài của Bồ tát trong nước tôi mà có hạn lượng thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, nước tôi thanh tịnh soi thấy tất cả vô lượng vô số bất khả tư nghị thế giới chư Phật mười phương, như gương sáng soi hiện hình gương mặt, nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, từ mặt đất lên đến hư không, những cung điện, lâu đài, ao nước, cây hoa, tất cả vạn vật trong nước tôi đều dùng vô lượng châu báu, trăm ngàn thứ hương hiệp lại làm thành xinh đẹp kỳ lạ hơn hàng thiên nhơn. Hương ấy xông khắp vô lượng thế giới mười phương. Bồ Tát nghe mùi hương ấy đều tu hạnh Phật. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, những loài chúng sanh của vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương, được quang minh tôi chiếu đến thân, thân họ nhu nhuyến hơn hẳn hàng thiên nhơn. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, những loài chúng sanh của vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu tôi mà chẳng được Bồ Tát vô sanh pháp nhẫn các thâm tổng trì thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng nữ nhơn của vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu tôi vui mừng tin ưa phát tâm Bồ đề nhàm ghét thân người nữ, nếu sau khi chết mà họ còn sanh thân người nữ lại thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát trong vô lượng bất tư nghì thế giới mười phương thế giới nghe danh hiệu tôi sau khi thọ chung thường tu phạm hạnh đến thành Phật đạo. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn trong vô lượng bất tư nghị thế giới mười phương nghe danh hiệu tôi rồi năm vóc gieo xuống đất cúi đầu vái lạy vui mừng tin ưa tu hạnh Bồ Tát thì được chư Thiên và người đời đều kính trọng. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi muốn được y phục liền tùy nguyện hiện đến, y phục đẹp đúng pháp như Phật khen ngợ tự nhiên mặc trên thân. Nếu còn phải may cắt nhuộm giặt thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, hàng thiên nhơn nước tôi hưởng thọ khoái lạc chẳng như bực lậu tận Tỳ Kheo thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, Bồ Tát nước tôi tùy ý muốn thấy vô lượng nước Phật trang nghiêm thanh tịnh mười phương thì liền được toại nguyện, đều được soi thấy ở trong những cây báu, như thấy mặt mình hiện rõ trong gương sáng. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi, từ đó đến lúc thành Phật nếu các căn thân còn thiếu xấu chẳng được đầy đủ thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi thảy đều chứng được thanh tịnh giải thoát tam muội, khoảng một lúc phát ý, cúng dường vô lượng bất khả tư nghị chư Phật Thế Tôn, mà không mất tâm chánh định. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi, sau lúc thọ chung sanh nhà tôn quý. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi vui mừng hớn hở tu hạnh Bồ Tát đầy đủ cội công đức. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi thảy đều chứng được phổ đẳng tam muội, an trụ trong tam muội nầy đến lúc thành Phật thường thấy vô lượng bất khả tư nghị tất cả chư Phật. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở trong nước tôi tùy chí nguyện của mỗi người muốn được nghe pháp liền tự nhiên được nghe. Nếu không như vậy thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi mà chẳng liền được đến bực bất thối chuyển thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
Giả sử khi tôi thành Phật, chúng Bồ Tát ở quốc độ phương khác nghe danh hiệu tôi mà chẳng liền được đệ nhứt nhẫn, đệ nhị nhẫn và đệ tam pháp nhẫn, nơi các Phật pháp chẳng liền được bực bất thối chuyển thì tôi chẳng lấy ngôi chánh giác.
(Lời dịch Việt ngữ của Thích Trí Tịnh)

Nguồn : http://vi.wikipedia.org/wiki/A-di-%C4%91%C3%A0

 
lanhDate: Thứ năm, 15-04-2010, 7:21 PM | Message # 2
Tổng tư lệnh
Người quản lý
Messages: 84
Awards: 2
Reputation: 18
Status: Offline
Có 2 sự tích về Ðức Phật A-Di-Ðà: Sự tích thứ nhứt, Ngài là vua Vô Trách Niệm; sự tích 2, Ngài là khất sĩ Amita.

I. Sự tích thứ nhứt: Chép trong Kinh Bi Hoa.

Trong vô lượng kiếp ở quá khứ, có một vị vua gọi là Chuyển Luân Vương, tên Vô Trách Niệm, Ngài có một quan đại thần là Bảo Hải. Vua tôi rất thân mật nhau.

Thời đó có Ðức Phật Bảo Tạng ra đời, giáo hóa chúng sanh. Vua và quan đại thần đến nghe thuyết pháp, vua phát tâm thỉnh Phật và đại chúng vào Hoàng cung cúng dường trọn ba tháng để cầu phước báo. Khi đó, đức Phật Bảo Tạng phóng hào quang sáng ngời soi khắp thế giới của chư Phật mười phương cho chúng hội đồng thấy. Nhờ đó nhà vua phát tâm tu hành, đến đảnh lễ Phật và phát nguyện như sau:

"Tôi nguyện tu hành, khi thành Phật, ứng hóa vào cõi Tịnh Ðộ an vui, nguyện độ tất cả thế giới của tôi dứt hết mọi điều khổ não. Nếu không y lời nguyện thì tôi chẳng chịu thành Phật."

Do nhơn duyên ấy, sau nầy vua Vô Trách Niệm tu thành Phật hiệu là A-Di-Ðà, ở cõi CLTG mà tiếp độ chúng sanh.

Còn quan đại thần Bảo Hải thì phát nguyện như sau:

"Tôi nguyện tu hành, khi thành Phật, ứng hóa về cõi Ta bà ô trược để dạy bảo chúng sanh đương ám muội đồng vãng sanh về cõi CLTG."

Do đó, quan đại thần Bảo Hải sau tu thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni, Giáo chủ Phật giáo ở cõi hạ giới.

II. Sự tích thứ nhì: Kiếp chót của Phật A-Di-Ðà.

Ngài là một khất sĩ, tên hiệu AMITA (phiên âm là A-Di-Ðà). Ðứng đầu Giáo hội khất sĩ là một Trưởng lão, đó là một vị Phật thời quá khứ tái sanh trở lại làm Trưởng lão.

Một hôm, vị Trưởng lão đến tháp thờ Phật, lén lấy cái chén bịt vàng liệng xuống gạch cho bể nát. Sau đó, Ông kêu hết thảy Tỳ kheo đến hỏi rằng:

- Ai làm rớt bể chén quí nầy?

Cả thảy Tỳ kheo đều nói là không biết, còn Amita thì làm thinh không trả lời, vì ông nghĩ rằng: Cái chén bể tất nhiên phải có người va chạm, nhưng cả thảy Tỳ kheo đều nói không biết, vậy thì ai vào đây? Không lẽ vị sư Trưởng lão? Mà nếu không ai chịu nhận thì vụ nầy còn hạch hỏi lôi thôi nữa, trong Giáo hội ắt bị mang tiếng xấu xa. Ta nên tính cho êm xong, ta nên làm thinh để lãnh tội cho vị Tỳ kheo nào vô ý làm bể đó, cho vị ấy an lòng tu học.

Trưởng lão thấy vậy mới nói:

- Amita, ngươi lặng thinh tức là ngươi phạm tội đó. Vậy muốn cho hết tội, ngươi phải chịu phạt công quả 10 năm, mỗi buổi sáng vào rừng lượm củi, chiều tối phải nấu nước thắp đèn cho Giáo hội.

Khi đó Amita ưng chịu, thực hành công quả đủ 10 năm mà trong lòng vẫn vui vẻ, không than phiền chi cả, chứng tỏ tâm đức trọn vẹn. Trưởng lão thấy vậy rất vui mừng.

Một buổi sáng kia, Trưởng lão bèn hóa hiện ra một cái thây ma của người thế gian chết nằm tại chỗ tháp thờ Phật, thúi hôi dơ dáy, có ruồi lằn bu đậu, vòi tửa tanh hôi.

Vị Trưởng lão bảo tăng chúng đem thây đi chôn và quét rửa chỗ đó cho sạch sẽ. Ai nấy đều lảng tránh, nói rằng:

- Chúng tôi là bậc trong sạch, không làm được việc ấy. Hãy để cho Amita về làm.

Bữa ấy là đúng công quả 10 năm của Amita, nhưng Amita vẫn còn đi gánh củi làm việc như thường. Khi về gần tới Giáo hội, chư Tỳ kheo đón báo cho biết tự sự, bảo Amita về mau đặng lo chôn cất cái thây ma ấy.

Về đến cửa, Amita lật đật bỏ gánh củi xuống, lấy cuốc cầm tay, thẳng đến định vác cái thây lên vai đem chôn.

Vị Trưởng lão nói:

- Ngươi hãy đi độ cơm rồi sẽ chôn cũng không muộn.

Amita bạch rằng:

- Bạch Trưởng lão, xin để tôi đem chôn xác chết ngay, để lâu hôi thúi chỗ thờ phượng không nên. Tôi nhịn ăn một bữa cũng không sao, nhưng nhờ vậy mà tâm được an ổn.

Amita liền đến gần xác chết thì không cảm thấy hôi thúi gì hết, vác xác chết lên vai cũng không thấy nặng nề gì, đi được nửa đường thì cảm thấy nhẹ bổng, giựt mình ngó lại thì xác chết lại biến hóa thành một tòa sen vàng, hào quang rực rỡ, sực nức mùi hương, bay bổng lên không trung, rồi lần lần hạ xuống trước mặt Amita. Chư Thiên, Bồ Tát đều rải hoa chào mừng và thỉnh Amita ngự lên tòa sen vàng.

Lúc đó, Amita sửng sốt, chẳng biết thực giả ra sao, nên ngần ngại không dám bước lên tòa sen. Chư Thiên và Bồ Tát thúc giục mãi, làm Amita bối rối, nhưng định tỉnh nghĩ rằng: Ta vốn là người trong sạch, dầu ma quỉ có gạt ta cũng chẳng sợ chi, ta nên bước lên tòa sen xem thử.

Amita liền bước lên tòa sen, tức thì một cảnh tượng vô cùng huyền diệu hiện ra, thân thể Amita phát ra hào quang sáng lòa, áo Phật oai nghi tề chỉnh, tinh thần an trụ tươi sáng như nhiên, các phép thần thông hiện đủ, trí huệ toàn giác. Amita đắc đạo chứng quả Như Lai.

Ngài cho tòa sen bay trở lại Giáo hội, tạ ơn Trưởng lão, rồi cùng Trưởng lão hóa hiện hào quang bay về Tây phương.

Tăng chúng đều chấp tay đảnh lễ: Na-mô Amitabha, tức là: Nam Mô A-Di-Ðà Phật.

Phật giáo Tịnh Ðộ tông tu theo Phật A-Di-Ðà, nguyện về cõi CLTG của Ðức Phật A-Di-Ðà, nên luôn luôn trì niệm Lục tự Di-Ðà: Nam mô A-Di-Ðà Phật.

Tịnh Ðộ tông thọ trì ba bộ Kinh: A-Di-Ðà Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Kinh.

Ðức Phật A-Di-Ðà thường hiện thân đi tiếp dẫn những người có duyên phần, có hai vị Bồ Tát hầu hai bên: Bên tả là Ðức Ðại Thế Chí Bồ Tát và bên hữu là Quan Thế Âm Bồ Tát, gọi chung ba vị là Di-Ðà Tam Tôn.

Di-Ðà Tam Tôn tượng trưng ba thể tánh: Bi, Trí, Dũng của Phật.

A-Di-Ðà Phật tượng trưng thể tánh sáng suốt: TRÍ.

Quan Thế Âm Bồ Tát tượng trưng thể tánh BI.

Ðại Thế Chí Bồ Tát tượng trưng thể tánh DŨNG.

Nguồn : http://caodaism.org/CaoDaiTuDien/a/a1-02.htm#01

 
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: