MENU
Home » 2012 » Tháng ba » 26 » Dạy tiếng Anh – khó hay dễ?
3:56 PM
Dạy tiếng Anh – khó hay dễ?
Bạn là một người giỏi tiếng Anh và bạn muốn trở thành giáo viên dạy tiếng Anh. Nhưng bạn đang băn khoăn bởi lẽ hiểu một ngoại ngữ đã khó, diễn đạt được các quy tắc ngôn ngữ để người khác hiểu được còn khó hơn? Hãy cùng tham khảo bài viết sau để xem sự chuẩn bị cho việc trở thành một giáo viên tiếng Anh của bạn được đến đâu rồi nhé!

Kiến thức cần truyền đạt

Có những người dường như sinh ra là để dạy tiếng Anh. Họ có thể giải thích các thuật ngữ, từ mới một cách đơn giản hay sử dụng các ngôn ngữ cử chỉ (body language), tranh ảnh minh họa để truyền đạt tới học viên của mình một thông điệp gì đó cho dù họ và học viên không nói cùng một ngôn ngữ. Tuy nhiên những người “giáo viên tiếng Anh bẩm sinh” như vậy rất hiếm. Bên cạnh đó, ngoài năng khiếu sẵn có, họ cũng phải không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức về ngữ pháp, ngữ âm, và nhiều kỹ năng sư phạm khác để có thể đứng lớp hiệu quả.

Do vậy, bạn cần phải nắm vững các hiện tượng ngữ pháp, các loại từ trong tiếng Anh để có thể sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho học viên bất kỳ lúc nào. Học viên sẽ tỏ ra “nghi ngờ trình độ của bạn” nếu bạn không thể giải đáp được những câu hỏi đơn giản như: “Trong câu này, từ này là tính từ hay danh từ?”.

Tuy nhiên, là giáo viên Tiếng Anh, bạn sẽ không chỉ giảng dạy mỗi ngữ pháp. Bạn còn phải truyền đạt, hoàn thiện và nâng cao rất nhiều kỹ năng khác cho học viên như nghe, nói, đọc, viết, phát âm, v.v. Do đó, bạn cần hoàn thiện tất cả các kỹ năng sử dụng tiếng Anh của mình để có thể trở thành một “người dẫn đường tin cậy” cho học viên.

Nghệ thuật đứng lớp

Đa số giáo viên mới vào nghề thường chọn giảng dạy thông qua các bài hội thoại vì cho rằng đây là một cách an toàn và đơn giản. Có thể mục đích ban đầu của họ sẽ là hướng dẫn và chỉ ra cho học viên các hiện tượng ngữ pháp và từ mới có trong bài hội thoại đó. Tuy nhiên, những buổi lên lớp này thường rơi vào lối mòn: đọc và dịch. Học viên sẽ không học được nhiều lắm vì chỉ đọc lặp đi lặp lại bài hội thoại rồi lại dịch từng câu sang tiếng mẹ đẻ. Hơn nữa, không phải học viên nào cũng hào hứng với chủ đề trong những bài hội thoại mà bạn lựa chọn.

Hãy thay đổi phương pháp bằng cách cho học viên tự lựa chọn chủ đề và nói. Bao giờ học viên cũng cảm thấy hào hứng khi nói về con vật nuôi của họ hơn là về một loài khủng long nào đó đã tuyệt chủng từ cách đây hàng trăm triệu năm. Với cách làm này, bạn sẽ thấy được khả năng ngôn ngữ thực sự của học viên khi họ chủ động sử dụng tiếng Anh, để qua đó, sửa cho học viên những lỗi về phát âm hay dùng từ.

Bạn cũng đừng bao giờ có những suy nghĩ kiểu như: Những học viên ở trình độ beginner thì luôn có nhận thức ở trình độ beginner. Đây là một sai lầm nghiêm trọng bởi chỉ với thì hiện tại thường cộng với một vài tính từ đơn giản, một học viên ở trình độ beginner cũng có thế miêu tả tổng thống Bush và những việc ông làm.

Hãy luôn lắng nghe những ý kiến đóng góp của đồng nghiệp và học viên bởi đó sẽ là những lời khuyên hữu ích giúp bạn hoàn thiện hơn kỹ năng sư phạm của mình. Bên cạnh đó, hãy nhớ một điều là ngôn ngữ phát triển hàng ngày nên bạn cần phải không ngừng cập nhật và nâng cao kiến thức để luôn bắt kịp “tiếng Anh hiện đại” của cuộc sống.

Bài viết này chỉ đưa ra một số điều bạn cần phải “lên dây cót” nếu muốn trở thành một giáo viên tiếng Anh. Hi vọng một ngày nào đó, Global Education sẽ được chào đón bạn với tư cách một đồng nghiệp. Chúc các bạn thành công với sự lựa chọn của mình!

Hương Quỳnh - Global Education (Tổng hợp)
Views: 524 | Added by: admin
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Sign Up | Log In ]